Veneer là gì? Veneer có thể phủ được trên những loại cốt gỗ nào?
1. Veneer là gì?
Veneer là một chất liệu phủ bề mặt cốt gỗ, bản chất là những tấm phủ có độ dày khoảng 3 ly, được lạng mỏng từ gỗ tự nhiên như óc chó, sồi, xoan, đào,... Vì bắt nguồn từ gỗ tự nhiên, tấm phủ Veneer vẫn giữ được màu sắc và vân gỗ y như thật. Veneer được xử lý và phủ/dán lên các cốt gỗ công nghiệp như MDF, HDF, gỗ Composite,... Sử dụng sản phẩm cốt gỗ phủ Veneer để làm nội thất giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn mang lại vẻ đẹp và sự sang trọng chẳng kém gỗ tự nhiên.
2. Ứng dụng phủ bề mặt của Veneer theo từng loại cốt gỗ
Không phải với cốt gỗ nào chất liệu phủ bề mặt Veneer cũng có thể kết hợp được. Gia chủ và các KTS cần cân nhắc các yếu tố như độ nhẵn bề mặt của lõi, quy trình dán phủ bề mặt, mức tương thích về giá,... Trong đó, các cốt gỗ phổ biến và phù hợp với chất liệu phủ bề mặt Veneer là MDF, HDF và Composite.
2.1. Gỗ MDF phủ Veneer
MDF là cốt gỗ ván sợi mật độ trung bình, được làm từ gỗ tự nhiên. Sau khi thu hoạch, gỗ được nghiền thành bột, trộn với keo và sau đó ép áp suất cao. Cốt gỗ MDF có 2 loại, loại thường lõi vàng và loại chống ẩm lõi xanh.
Tấm phủ Veneer sau khi được xử lý có sự tương thích, dễ dàng thi công trên cốt gỗ MDF, tạo thành thành phẩm có giá thành phải chăng, có khả năng chống co ngót, cong vênh, loại bỏ những tác nhân gây mối mọt. Sản phẩm này rất phổ biến trong các công trình nội thất theo các phong cách hiện đại, đồ nội thất kiểu dáng đơn giản, không rườm rà, bề mặt phẳng nhẵn như bàn học, bàn làm việc, tủ bếp, tủ quần áo…
2.2. Gỗ HDF phủ Veneer
HDF (High Density Fiberboard) là một loại ván gỗ công nghiệp được tạo nên từ bột gỗ của các loại cây tự nhiên ngắn ngày, trộn với keo và các chất phụ gia công nghiệp, được ép thành ván dưới lực ép có áp suất cao. Bởi vậy, gỗ HDF có độ cứng và độ bền cơ lý rất cao. Cốt gỗ HDF hiện nay có hai loại: HDF siêu chống ẩm (màu vàng nhạt) và Black HDF siêu chống ẩm (màu đen).
Khi kết hợp với Veneer, gỗ HDF trở thành nguyên vật liệu có kiểu dáng đẹp, vân màu phong phú, có ưu điểm độ bền cao, chống mối mọt, chống ẩm. Bên cạnh đó, trọng lượng gỗ thấp thích hợp làm vách ngăn phòng, cánh cửa, tủ bếp,... giúp tránh được tình trạng bị bung bản lề hay xuống cấp trong quá trình sử dụng. Giá thành tuy cao hơn so với gỗ công nghiệp khác nhưng rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên.
2.3 Gỗ Composite phủ Veneer
Gỗ Composite (gỗ nhựa) đang dần phổ biến hiện nay là một loại vật liệu giả gỗ với cấu tạo từ 2 thành phần chủ yếu: bột gỗ và nhựa. Hai nguyên liệu này được trộn lẫn với tỷ lệ thích hợp cùng với những chất phụ gia để tạo ra sự kết dính cao. Gỗ Composite có hai loại dùng cho nội thất và ngoại thất, độ bền tương đối cao, chịu nước, chịu nhiệt, chống được sâu mọt.
Cửa gỗ Composite phủ Veneer có vẻ ngoài tự nhiên, phẳng mịn, chất lượng bên trong cứng cáp, cấu trúc các hạt nhựa bao bọc các hạt gỗ giúp cho thành phẩm không bị thay đổi bởi nhiệt độ, độ ẩm, không cong vênh, co ngót. Ngoài ra, ở không gian ngoại thất, gỗ nhựa Composite còn được sử dụng cho sàn gỗ ngoài trời, các lam chắn nắng, lam trang trí…
Lớp phủ Veneer có vân gỗ, màu sắc đa dạng, thích hợp với nhiều phong cách thiết kế nên gia chủ hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Lựa chọn lớp phủ Veneer với các loại cốt gỗ công nghiệp như MDF, HDF, cốt gỗ nhựa Composite cho các sản phẩm nội, ngoại thất cho gia đình mình là một lựa chọn hoàn hảo về thẩm mỹ, công năng và chi phí.
Nguồn: Happynest